Ths. Bs. Đào Danh Vĩnh1. Giới thiệu
Khoa Chẩn đoán Hình ảnh - Bệnh viện Bạch Mai
Giãn TM dạ dày là một trong những biến chứng thường gặp ở bệnh nhân có hội chứng tăng áp lực TM cửa, chiếm tỷ lệ khoảng 30%. Tỷ lệ xuất huyết của giãn TM dạ dày khoảng 10-36% và tỷ lệ tử vong khi đã xuất huyết có thể lên tới 14-45%. Mặc dù có tỷ lệ mắc và tỷ lệ xuất huyết thấp hơn so với giãn TM thực quản, nhưng giãn TM dạ dày lại có tỷ lệ tử vong cao hơn, mức độ kiểm soát phức tạp hơn. Đã có nhiều phương pháp được đề xuất để điều trị giãn TM dạ dày như phẫu thuật, gây tắc mạch qua gan, tiêm xơ qua nội soi, tạo đường thông cửa chủ qua TM cảnh trong. Mỗi phương pháp và kỹ thuật có những ưu điểm, nhược điểm và hiệu quả điều trị nhất định, do vậy nhiều trường hợp phải kết hợp một hay nhiều phương pháp với nhau để có thể mang lại hiệu qủa điều trị cho người bệnh.
Nút tĩnh mạch ngược dòng qua balloon-catheter (BRTO) được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1996 bởi Kanagawa và cộng sự. Đến nay, kỹ thuật này đã được ứng dụng rộng rãi ở Nhật Bản, Hàn Quốc, nhiều nước châu Á và một số nước châu Âu, Mỹ do là kỹ thuật xâm nhập tối thiểu, an toàn và hiệu quả cầm máu, ngăn ngừa tái phát cao trong bệnh lý giãn tĩnh mạch dạ dày. Trong khuôn khổ bài biết này, chúng tôi giới thiệu tổng quan về những vấn đề cơ bản để thực hiện kỹ thuật BRTO, đưa thêm một lựa chọn trong thực hành lâm sàng quản lý các biến chứng nguy hiểm của hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
Giãn TM dạ dày trên nội soi Giãn TM dạ dày trên CTscanner
Ở bệnh nhân có hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa, mặc dù xuất huyết do vỡ giãn TM thực quản là biến chứng khá thường gặp, tỷ lệ tử khoảng 30% khi tái phát. Tuy vậy, giãn TM dạ dày ở bệnh nhân tăng áp lực TM cửa mặc dù có tỷ lệ mắc và tỷ lệ xuất huyết thấp hơn so với giãn TM thực quản, nhưng lại có tỷ lệ tử vong cao hơn, khó kiểm soát hơn. Theo nghiên cứu của nhiều tác giả, tỷ lệ xuất huyết của giãn TM dạ dày khoảng 10-36% nhưng tỷ lệ tử vong khi đã xuất huyết có thể lên tới 45%. Do vậy, đã có nhiều phương pháp được đề xuất để kiểm soát và điều trị giãn tĩnh mạch dạ dày như phẫu thuật, gây tắc mạch qua gan, tiêm xơ qua nội soi, tạo đường thông cửa chủ qua TM cảnh trong. Mỗi phương pháp và kỹ thuật có những ưu điểm, nhược điểm và hiệu quả điều trị nhất định.
Tiêm xơ qua nội soi ống mềm hiện nay đang được ứng dụng rộng rãi trên tòan thế giới trong kiểm soát các nguyên nhân chảy máu từ thực quản. Tuy vậy, kỹ thuật này có một hạn chế lớn khi kiểm soát chảy máu do giãn tĩnh mạch dạ dày là phần nhiều các búi giãn TM dạ dày nằm ở vùng đáy vị. Ngoài ra, một hạn chế khác trong trường hợp với những búi giãn tĩnh mạch có luồng thông với các TM dẫn lưu về TM chủ dưới (TM thận trái, TM màng ngoài tim, TM đơn) thì chất gây tắc mạch có thể đi trào từ vị trí tiêm xơ vào TM chủ dưới và về tim và tuần hoàn phổi, gây ra những biến chứng nguy hiểm.
BRTO là kỹ thuật can thiệp nội mạch đường tĩnh mạch, sử dụng một catheter có bóng (balloon catheter), đặt vào vị trí shunt tĩnh mạch vị - thận trái (gastrorenal shunt), bơm căng bóng để bịt luồng shunt này tránh trào ngược, sau đó gây tắc mạch tất cả các luồng thông của búi tĩnh mạch giãn với hệ thống TM chủ dưới trước khi gây tắc búi tĩnh mạch giãn ở dạ dày. Điều này sẽ đảm bảo tránh được sự di trú của vật liệu gây tắc mạch về tim và tuần hoàn phổi, đồng thời dưới màn tăng sáng truyền hình, có thể kiểm soát được toàn bộ phạm vi và mức độ gây tắc mạch tại thời điểm thực hiện thủ thuật.
Balloon catheter được đặt vào trong shunt vị-thận rồi bơm bóng Gây tắc búi giãn TM dạ dày qua balloon catheter đã đặt trong shunt vị-thận
2. Chỉ định
- Giãn tĩnh mạch dạ dày có nguy cơ vỡ: trên hình ảnh nội soi thấy các búi giãn lớn, có các điểm xung huyết hoặc loét khu trú và tiến triển nhanh.
- Giãn tĩnh mạch dạ dày đã vỡ: tái diễn nhiều lần
Một vấn đề lưu ý trong chỉ định của BRTO là các trường hợp giãn tĩnh mạch dạ dày phải có đường shunt vị-thận (gastrorenal shunt) tức là có đường shunt giữa búi tĩnh mạch giãn ở dạ dày và tĩnh mạch thận trái. Trong trường hợp không có đường shunt vị - thận thì cần áp dụng phương pháp khác như nút tĩnh mạch qua gan (transhepatic access).
3. Chống chỉ định
- Dị ứng thuốc cản quang
- Suy thận: creatinin huyết thanh > 1.5 mg/dl
- Tắc tĩnh mạch cửa
- Cổ chướng mức độ nhiều, tái diễn do tăng áp lực tĩnh mạch cửa
- Đang có giãn tĩnh mạch thực quản nặng, tiến triển.
BRTO sau khi gây tắc búi tĩnh mạch dạ dày thì sẽ làm tăng lưu lượng máu về tĩnh mạch cửa, do vậy sẽ làm tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Kết quả là làm các biến chứng khác vốn có của hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa có nguy cơ trầm trọng hơn như cổ chướng, giãn tĩnh mạch thực quản. Nhiều tác giả chủ động điều trị giãn tĩnh mach thực quản và đặt dẫn lưu dịch cổ chướng trước khi thực hiện BRTO để tránh các biến chứng có thể xảy ra.
Bookmarks