ThS. Bs. Nguyễn Khôi Việt
Khoa Chẩn đoán Hình ảnh - Bệnh viện Bạch Mai
Nguồn: bmir.vn
Nhồi máu cơ tim là một trong những bệnh lý tối cấp cứu, đe dọa trực tiếp sinh mạng người bệnh. Hiện nay chụp cộng hưởng từ (MRI) được sử dụng để đánh giá tưới máu cơ tim, mức độ sống - còn của cơ tim. Độ nhạy của MRI có thể đạt tới > 95%, có giá trị cao trong đánh giá tình trạng cơ tim sống còn, phân biệt vùng cơ tim choáng, cơ tim đông miên với sẹo cơ tim.
 |  |
Chụp MRI đánh giá tưới máu cơ tim theo trục ngắn (short-axis) |
Sử dụng MRI có thể cho phép tiến hành đồng thời chụp động mạch vành, kết hợp với các thông tin về tình trạng chức năng như tưới máu cơ tim, đánh giá cơ tim sống còn được trình bày trên cùng một hình ảnh theo không gian 3 chiều.
1. Chỉ định
-Nghi ngờ bệnh lý động mạch vành dựa trên các triệu chứng, các yếu tố nguy cơ, điện tâm đồ khi nghỉ và gắng sức nghi ngờ -Đã biết có bệnh lý động mạch vành để đánh giá sự cần thiết có tái lưu thông mạch vành hay không
-Các kết quả xét nghiệm không xâm lấn không đưa ra được kết luận cuối cùng để đánh giá có thiếu máu hay không (ví dụ: siêu âm tim gắng sức, SPECT..)
-Các kết quả xét nghiệm không xâm lấn về hình ảnh động mạch vành (ví dụ: MSCT) không đưa ra được kết luận cuối cùng. -Kiểm tra sau đặt cầu nối động mạch vành với nghi ngờ có thiếu máu.
-Bệnh lý cơ tim như bệnh cơ tim tắc nghẽn, bệnh cơ tim không tắc nghẽn, bệnh cơ tim giãn. -Nghi ngờ bệnh lý động mạch vành với ST chênh trên điện tâm đồ (>1mm).
*Lưu ý với kẹp, dây dẫn xương ức sau mổ tim và đặt stent động mạch vành không gây cản trở, không gây nhiễu trong khi làm tưới máu trên CHT tim.
*Bệnh nhân muốn chụp nên nhịn thở được trong vòng 15-20 giây
*Giới hạn chẩn đoán trong các trường hợp ngoại tâm thu (>10 nhịp/phút) và rung tâm nhĩ.
2. Chống chỉ định:
-Các chống chỉ định chung của CHT nói chung.
-Các chống chỉ định với thuốc dùng để làm gắng sức như dobutamine, dypyridamole. -Block nhĩ thất cấp 2, block nhĩ cấp 3, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), các thuốc gây giãn mạch, dị ứng với các thuốc cản quang.
3. Chuẩn bị bệnh nhân:
-Kiêng các chất có chứa cafein (đồ uống và thức ăn) 24 giờ trước khi chụp.
-Kiêng các thuốc đang sử dụng một ngày trước chụp, trừ các thuốc đang trong liệu trình điều trị (như bệnh nhân đái đường vẫn phải sử dụng insulin)
4. Protocol tưới máu (perfusion-CMR protocol):
4.1. Protocol tưới máu thì đầu khi gắng sức:
-Tưới máu trên CHT thực hiện sau khi làm các xung đánh giá chức năng.
-Tăng cường tưới máu thực hiện sau khi dùng adenosine với liều chuẩn (0,14mg/kg/phút truyền tĩnh mạch trong 3 phút).
-Sau 3 phút truyền adenosine, thuốc cản quang được bơm vào bằng máy và quá trình chụp bắt đầu.
-Chụp 3-5 lớp cắt ngang theo trục của tim (short-axis) cứ cách 1-2 phút, chụp ở thì tim ít di động nhất (cuối thì tâm thu-giữa tâm trương) -Độ dày lớp cắt 8-10mm, trường cắt được lựa chọn phải bao phủ toàn bộ tim.
4.2. Protocol tưới máu thì đầu khi nghỉ:
Thông thường, chụp tưới máu cơ tim có thể thực hiện ở thì nghỉ. Tuy nhiên thông thường bắt buộc phải thực hiện tưới máu khi gắng sức.
5. Thuốc cản quang:
-Sử dụng thuốc có gốc Gadolinium ngoại bào với liều 0,075-0,1mmol/kg tiêm tĩnh mạch với tốc độ 3-5ml/giây (máy bơm tự động).
-Theo sau 20-25ml nước muối sinh lý saline với tốc độ 3-5ml/giây.
-Hai đường tiêm tĩnh mạch độc lập nhau: đường tiêm thuốc cản quang thường thực hiện khuỷu tay.
6. Kiểm tra máy monitor cho bệnh nhân:
-Kiểm tra nhịp tim và huyết áp trước khi truyền adenosine và trong từng phút sau khi truyền (hoặc ít nhất là trước và sau khi truyền), tiếp tục theo dõi sau quá trình chụp tùy theo tình huống lâm sàng cụ thể của bệnh nhân.
-Kiểm tra máy bão hòa oxy cho bệnh nhân.
-Trong tình huống cấp cứu, cần dừng chụp sử lý theo tình huống phát sinh.
Bookmarks