Trong Đông Y, bắt mạch là một thực hành quan trọng, quan trọng đến nỗi nhiều người bảo đi khám là đi bắt mạch, bắt mạch thì cái gì cũng ra, kiểu như tóm bắt được ngay thủ phạm vậy. Nó cũng loang sang Tây Y, nên nhiều phòng khám tư vẫn được gọi là phòng mạch. So với các thao tác lần mần sờ mó nghe ngóng của Tây Y, thì việc bắt mạch chỉ sờ có mỗi cổ tay dường như có cái gì đó thần kỳ hơn, lại có vẻ an toàn hơn, nhất là đối với các cô gái trẻ.
Trong số rất nhiều trước tác kinh điển cũng như chia sẻ tâm đắc về nghệ thuật xem mạch, chúng tôi thấy cuốn "Định Ninh tôi học mạch" của cụ Định Ninh Lê Đức Thiếp có một sức lôi cuốn đặc biệt. Đó là sự chân thành của tác giả mong muốn moi gan vắt ruột để giúp thế hệ sau tiếp bước dễ dàng hơn trên con đường nghề đầy chông gai vất vả.
Chúng ta hãy đọc: "Mở đầu vào nghề khi tôi mới 18 tuổi đã có học trình phổ thông, phụ huynh tôi chỉ dạy sơ bộ về Âm Dương, Ngũ Hành, Ngũ Tạng, Lục phủ và Thập nhị kinh lạc. Sau mới dạy tôi học Mạch. Tôi cũng chỉ để tay trên bộ Mạch lần mò phỏng đoán nói dựa. Người ngoài nhìn cho là tôi đã biết xem Mạch, thực ra tôi chẳng hiểu gì."
Xin trích hai đoạn kết của cuốn sách:
"VII. Nói dựa
Tất cả mọi sự lý trên đời, điều nào có người hỏi mình, mình không biết còn phổng theo ý kiến của người khác mà nói ra, là nói dựa.
Nói dựa để làm gì? Để che lấp sự không biết của mình, để tỏ ra ta là kẻ biết, để khoe tài, lấy danh và thủ lợi.
Như vậy, nó dựa không có thực chất, người đời khinh khi, xấu.
Ta thường nghe nói “thầy bói nói dựa”, có ý chê một vài thầy bói nào đó không có thực tài phải nói dựa.
Không nghe ai nói “thầy thuốc nói dựa”. Thật ra thầy thuốc chúng ta nói dựa khá nhiều, khá đông mà không ai biết (điểm này nói ra đây, có người bảo là “vạch áo xem lưng”. Nhưng thực sự mà nói: “chúng ta phải nói dựa, chúng ta có nói dựa”).
Chúng ta phải nói dựa: khi ta mới vào nghề, gặp người bệnh tuy ta có để tay xem mạch, nào đã biết phù trầm ra sao! Đành phải nói dựa, nói dựa trong khi Vọng Văn Vấn phỏng đoán cao, tâm lý giỏi cũng nói ra được những điểm đúng bệnh làm cho người bệnh hài lòng.
Người bệnh hài lòng bảo nhau đến đông. Ta nhờ chỗ đông ấy có mạch để mà xem, mà học. Vậy ta phải nói dựa để học mạch.
Chúng ta nói có nói dựa: khi tay nghề chúng ta đã cao, người bệnh đến xin xem mạch, dĩ nhiên xem mạch là biết bệnh, nhưng phải cái lúc tâm trí ta phôi pha không muốn xem mạch thì cũng để tay làm có cho qua rồi dựa vào Vọng, Văn, Vấn nói ra những bệnh chứng rất đúng (nên biết vọng, văn này đã ở giai đoạn cao khác với vọng, văn, vấn lúc mới vào nghề). Người bệnh tin tưởng hài lòng, đâu có biết là ta chưa xem mạch. Thế là chúng ta có nói dựa.
Nhận định hơn nữa mà nói:
Những mạch gia thiên tài, những vị xem mạch hơn chiếu điện v.v…Tất cả quý vị dù xem mạch nói bệnh rất hay rất đúng, rất tài, nhưng cơ bản của quý vị tối đa tinh tường về Vọng, Văn, Vấn mà nói dựa cho qua, chư không thể nói rằng: “không khi nào nói dựa”.
Những điểm nói dựa kể trên chỉ là lý luận cho vui.
Điểm quan trọng xét ra: khi còn phải nói dựa—Khi đã biết xem mạch đều là cho thuốc để trị bệnh cả. Vậy mà giá trị hai thời kỳ khác nhau.
Khi còn phải nói dựa: trị bệnh nhằm vào thuốc mà trị. Ví dụ: đau bụng kinh kỳ uống Hương Phụ, Phong ngứa uống Thương Nhĩ tử, Đầy hơi uống Lương khương v.v…Nhưng lòng vẫn hồi hộp hồ nghi, không biết rằng: Bệnh có phải thế, thuốc thế có phải hay không? Nếu sau đó được tin “con uống thuốc ấy khỏi, thầy ạ” thì cũng vui vui, nhưng đó là may mà trúng. Ngược lại suy tính cách nào cũng luẩn quẩn vòng quanh mịt mù, không có hướng điều trị.
Khi đã biết xem mạch: Trị bệnh nhằm vào mạch bệnh mà trị. Thí dụ: mạch Trì ở Tỳ Vị, Tỳ vị hàn cho ôn Tỳ Vị. Mạch Sác ở Tâm, Tâm nhiệt cho thanh tâm v.v…Phương hướng đều trị rõ như ban ngày đâu có còn hồ nghi.
Thật vậy! giá trị trị bệnh 2 thời kỳ khác nhau xa vậy.
Tóm lại: chúng ta vào nghề y phải biết nói dựa. Nói dựa để có thời gian học mạch. Nói dựa cũng là một khoa rất khó đâu có dễ. Nói dựa để thành tài cũng tốt đâu có xấu.
Thưa quý vị: trong số muôn ngàn lương y, vị nào quả quyết: “tôi không hề nói dựa bao giờ”. Xin kính phục."
"VIII. Bực mình
Nghề xem mạch của y giới chúng ta nó là công việc thường ngày đâu có khó dễ gì với ai. Vậy mà tâm trạng chung xét ra cũng có trường hợp bực mình. “Bực mình mà chẳng nói ra hay nói ra cũng thế thôi”.
Đó là việc xem mạch giùm.
Ôi! Ông này nhờ thầy xem mạch giùm. Tôi có bệnh gì? Bà kia nhờ thầy xem mạch giùm, kỳ này tôi sanh trai hay gái v.v…
Những ông bà ấy là hạng khách không thể từ chối, bắt buộc phải xem mạch giùm. Đã rằng xem mạch giùm hẳn là “không công”.
Ai có hiểu cho, xem mỗi một mạch, phải vọng, văn vấn phải mò đủ kinh án, trọng án. Tâm Can Tỳ phế tạng phủ nào phù trầm hoạt khẩn. Bộ nào suy vượng. Tay nào âm dương thăng giáng, phải tìm mạch lực vãng lai, phải đếm mạch tức thiểu đủ, phải định âm mạch dương mạch mới quyết đoán được bệnh thế này thế nọ.
Nghề xem mạch là nghề cao quý, công phu học hỏi khá nhiều đâu có dễ gì! Mỗi khi xem xong một mạch, mất nhiều thì giờ, hao tổn tâm tư, nào ai hay biết. Vậy mà bị “xem mạch giùm hoài”. Sao không bực mình?
Xem giùm tức là không công. Không công tức là người nhờ xem coi giá trị việc làm của người xem mạch không đáng 1 đồng xu (bực mình). Đã vậy xem mạch còn có tính cách thử tài (bực mình). Xem xong mà đúng tất nhiên có 2 tiếng cảm ơn ríu rít hơn thường lệ. Ngược lại bị cái mỉm cười theo tia mắt ném vào mình khá sâu (bực mình).
Thưa đọc giả: như vậy mỗi khi xem mạch giùm là mỗi khi bị bực mình. Có chăng?."
Cuốn sách này xuất bản đã lâu. Hiện lưu hành có bản trên mạng, cũng khá đầy đủ. Xin trân trọng giới thiệu với các bác, đường link để đọc bên dưới.
Khoa Đông Y - Bệnh Viện Đa Khoa Hồng Đức | Chữa bệnh Đông Y | Chua benh dong y
Bookmarks