Bài 1: Cần lắm một góc nhìn công bằng
Thời gian qua, hàng loạt vụ việc các đối tượng côn đồ hung hãn hành hung bác sĩ trong khi thực hiện nhiệm vụ cùng các vụ tai biến sản khoa khiến sản phụ và thai nhi tử vong... đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, tăng thêm phần áp lực cho những người thầy thuốc trong khi làm nhiệm vụ chăm sóc và cứu chữa người bệnh… Tất nhiên, không ai có thể đổ hết mọi tội lỗi cho “sự cố y khoa” nhưng ngoài tòa án của pháp luật còn một tòa án lương tâm, sự phán xét của hội đồng khoa học luôn soi rọi, giám sát…
Với những bác sĩ, y tá đã làm hết lòng, cố hết sức... mà người bệnh vẫn không qua khỏi, họ lại luôn ở trong tâm trạng nặng nề, dằn vặt. Chưa biết nguyên nhân là gì, nhưng để xảy ra “sự cố chết người” dư luận có quyền lên án, nghi ngờ... Nhưng khi đã có những kết luận khoa học về những cái chết do sự cố y khoa, dư luận xin hãy “công tâm” với bác sĩ. Bởi vì những tai biến này là không thể lường hết.
Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ hành hung bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Những sự cố y khoa bất khả kháng
Câu nói của người xưa “Gái chửa - cửa mả” là cảnh báo về những rủi ro trong quá trình mang thai, sinh nở. Sự tổng kết kinh nghiệm này cho đến nay vẫn đúng, mặc dù có thể ít hơn do thành tựu y học hiện đại nhưng không phải hoàn toàn đã hết những rủi ro rình rập - đó là những sự cố y khoa bất khả kháng như tắc mạch ối, tiền sản giật, phù mạch phổi...
Thời gian gần đây, báo chí và dư luận xã hội đang rất bức xúc về những cái chết liên tiếp của sản phụ xảy ra tại BVĐK tỉnh Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Hưng Yên và ở TP. Hồ Chí Minh... Chỉ tính riêng tỉnh Quảng Ngãi, trong năm 2012, đã có 5 trẻ sơ sinh và 2 trường hợp mẹ tử vong. Theo kết luận của Hội đồng khoa học, có trường hợp tử vong liên quan đến sự tắc trách của cán bộ y tế... nhưng cũng có những tai biến bất khả kháng mà y học chưa tìm ra được giải pháp Vụ BS. Phạm Đức Giầu hy sinh trong lúc làm việc khiến gia đình và đồng nghiệp vô cùng đau đớn.
Còn nhớ, trường hợp của mẹ con sản phụ L.T.H. tử vong tại BVĐK Quảng Ngãi cách đây không lâu đã dấy lên làn sóng lên án, phản đối và kết luận về sự vô trách nhiệm của bác sĩ, trình độ chuyên môn kém, không tận tâm... Nhưng khi Viện Khoa học kỹ thuật hình sự Bộ Công an công bố kết quả giám định pháp y, kết luận nguyên nhân gây tử vong cho sản phụ H. là do nhồi máu phổi, cơ tim giãn thoái hóa, cơ tử cung phù nề... bác sĩ vẫn không thể thoát khỏi nỗi ám ảnh mang tên “dư luận xã hội”. Hoặc trường hợp cháu bé sơ sinh con của sản phụ B.T.M.L. được mổ cấp cứu lấy thai vì sa dây rốn, nhưng sau mổ bé bị suy hô hấp nặng, dẫn tới hôn mê. Mặc dù được cấp cứu tích cực nhưng tình trạng không tiến triển, gia đình đã đưa cháu về. Sa dây rốn là biến chứng thường xảy ra vào giai đoạn cuối của thai kỳ (thai khoảng hơn 38 tuần). Hiện tượng này dễ gây suy thai cấp khi mẹ chuyển dạ. Nếu lấy thai ra chậm, bé dễ suy hô hấp, tử vong hoặc nếu sống sót bé dễ mắc tổn thương não do thiếu ôxy... Tiếp đến là trường hợp của sản phụ N.T.H.T. (Hóc Môn - TP. Hồ Chí Minh) nhập BVĐK Hóc Môn với chẩn đoán thai 38,5 tuần, ối ít. Trong quá trình chuyển dạ, sản phụ đột ngột tím tái, không đo được huyết áp... và sau đó đã tử vong. Sau khi sản phụ tử vong, cơ quan chức năng đã tiến hành giải phẫu tử thi ngay trong ngày. Kết luận của Hội đồng chuyên môn đưa ra là sản phụ tử vong do tắc mạch ối trong giai đoạn chuyển dạ. Tắc mạch ối là một trong những tai biến sản khoa cực kỳ nguy hiểm, thường xảy ra trong chuyển dạ nhưng cũng có thể xảy ra trong khi mổ lấy thai, sẩy thai, chấn thương bụng, chọc hút nước ối, thậm chí có thể gặp tắc mạch ối sau khi đẻ, sau mổ lấy thai... Hoặc một trường hợp cách đây đã lâu, báo Sức khỏe&Đời sống đã thông tin. Một sản phụ tử vong tại Bệnh viện Sapa, Lào Cai, một bác sĩ trực đã bị cơ quan chức năng khởi tố. Khi báo SK&ĐS có loạt bài điều tra và các nhà khoa học cùng cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ nguyên nhân sản phụ tử vong do biến chứng tắc mạch ối, một biến chứng bất khả kháng, bác sĩ này mới được minh oan.
Có những cái chết của sản phụ do sự tắc trách, thậm chí là vô cảm của một số bác sĩ, y tá... và tất nhiên, những người đó đáng bị xã hội lên án, trừng trị thích đáng... Nhưng cũng có những cái chết do những tai biến, sự cố y khoa bất khả kháng thì thực sự lại là nỗi khổ cho những thầy thuốc chân chính. Bởi, họ sẽ phải đối mặt với dư luận, sau mỗi cái chết của sản phụ là tâm lý nặng nề và chuỗi ngày dài sống trong dằn vặt.
Có dư luận cho rằng, ngành y tế “vin” vào tai biến sản khoa hiếm gặp để “chối bỏ trách nhiệm” khi để xảy ra cái chết cho bệnh nhân, sản phụ... Theo ThS. Nguyễn Thị Thanh (BV Bạch Mai): “Bất cứ một cái chết nào cũng thương tâm và dù có hay không người thầy thuốc vẫn phải chịu một phần trách nhiệm. Nhưng chúng ta thử nghĩ, rủi ro, đen đủi không tha cho bất cứ ai, đặc biệt là trong vấn đề liên quan đến sự tồn tại của mỗi con người. Cho dù đó là những bác sĩ còn ít kinh nghiệm hay cả những người lão luyện trong nghề cũng khó tránh khỏi khi rủi ro ấy “gõ cửa”. Bác sĩ chỉ là người giảm thiểu sự rủi ro ấy bằng việc lấy sự cẩn trọng làm đầu!”
Và những vụ vô cớ hành hung bác sĩ
Cái chết tức tưởi của BS. Phạm Đức Giầu (BVĐK huyện Vũ Thư, Thái Bình) từ một mũi dao oan nghiệt của người nhà bệnh nhân khi đang thực hiện nhiệm vụ cao cả của một người thầy thuốc - cứu người và những vết thương về thể chất lẫn tinh thần của BS. Nguyễn Ngô Hoàn khi bị hành hung... đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của nhiều bác sĩ, nhân viên y tế. Hung thủ đã phải trả giá cho hành vi côn đồ của mình, nhưng bác sĩ Giầu thì không thể sống lại và chắc hẳn tâm lý của BS. Hoàn có lẽ phải còn thời gian dài mới nguôi ngoai...
Bác sĩ bị hành hung được chăm sóc tại BVĐK tỉnh Thái Bình.Ảnh: PV
Đó là một câu hỏi lớn đặt ra cho dư luận trong việc bảo vệ bác sĩ, bênh vực bác sĩ trong khi đang thực hiện nghĩa vụ của mình. Cùng với sự việc BS. Giầu bị đâm chết, thì ở BVĐK Việt Tiệp Hải Phòng các bác sĩ cũng luôn ở trong tình trạng “sống trong sợ hãi”. Điển hình là Khoa Cấp cứu, BV Việt Tiệp liên tục xảy ra các vụ hành hung thầy thuốc. Từ bác sĩ đến nhân viên y tế, thậm chí cả nhân viên bảo vệ cũng bị đe dọa đánh trọng thương. Có nhân viên y tế đang trong giờ trực cấp cứu cũng bị hành hung đến phù võng mạc trung tâm, xuất huyết tiền phòng và phù nề cung mắt phải. Kết quả giám định pháp y TP. Hải Phòng đã xác định, y tá này bị giảm 17% sức lao động. Còn tại Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai, một bác sĩ nam bị đánh trọng thương, còn bác sĩ nữ thì bị đạp mạnh vào bụng ngã lộn ra đằng sau và ngất ngay tại chỗ… Những bệnh nhân nằm trong khu vực điều trị đều hoảng loạn lo lắng… Nguyên do chỉ vì không chịu nghe bác sĩ giải thích, nghĩ là bác sĩ vòi tiền, không chịu chạy chữa cấp cứu cho bệnh nhân… Vì những nguyên nhân rất đơn giản bác sĩ cũng có thể bị trọng thương, bị đe dọa đến tính mạng bất cứ lúc nào. Ngoài việc thường xuyên tiếp xúc với người bệnh, nguy cơ lây nhiễm bệnh cao, bác sĩ lại phải lo thêm bị hành hung, đe dọa tinh thần và áp lực phải cứu sống bệnh nhân… Còn tại BV Mắt Trung ương, không có việc hành hung, đe dọa bác sĩ, nhưng những câu chuyện “tam sao thất bản”, khi chỉ được nghe kể lại rồi viết những bức thư và gửi đến các cơ quan truyền thông đã gây sự hiểu lầm lớn. Đó là việc phải có 10 triệu đồng mới được “múc mắt”, hay nhân viên y tế gây khó dễ, người bệnh không được cấp cứu kịp thời dẫn đến hoại tử mắt và phải “bỏ một bên mắt”. Người viết ấy còn khẳng định, nếu nhân viên y tế tạo điều kiện trong tình trạng người bệnh đang ở giai đoạn “sống còn” thì người bệnh ấy đã không phải “múc mắt”. Và sự việc ấy tạo dư luận không tốt trong nhân dân. Trước những nội dung trên, báo Sức khỏe&Đời sống đã làm việc với lãnh đạo BV Mắt Trung ương để làm rõ sự việc đồng thời liên hệ xác minh lại với người bệnh và người nhà bệnh nhân thì sự thật lại không phải như vậy. Bệnh nhân đến BV không có chứng minh thư nhân dân chứ không phải có chứng minh thư không khớp với BHYT và bệnh nhân chỉ phải nộp 4 triệu đồng theo quy định để nhập viện chứ không phải 10 triệu đồng như phản ánh.
Và còn nhiều vụ việc khác mà người bác sĩ luôn phải chịu rất nhiều áp lực, “Không bác sĩ nào muốn bệnh nhân của mình chết”, đó là lời khẳng định của hầu như tất cả các bác sĩ. Sau mỗi ca trực, sau mỗi cánh cửa phòng mổ nhiều sự sống mới được hồi sinh nhưng sự việc ấy cứ âm thầm lặng lẽ trôi đi, nhưng sau một cái chết của một người bệnh không được cấp cứu kịp thời là cả những chuỗi ngày bác sĩ đối đầu với dư luận, áp lực và thậm chí với cả đồng nghiệp dù cái chết đó có thể là không phải lỗi của mình.
Nguyễn Hồng
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Bookmarks