Nói chuyện Sài Gòn, rồi lại quanh chuyện Hà Nội. Không biết ai trong các bác còn nhớ câu nói của một vị tiền bối khả kính:"Trường Y khoa phải là chính mình: Hiểu cái thật, yêu cái đẹp, để thực hiện cái tốt". Đành rằng mở miệng nói mấy chữ chân, thiện, mỹ thật là dễ, nhưng có ai thử bỏ cả cuộc đời để đeo đuổi cho được mấy chữ ấy một cách trọn vẹn. Chẳng biết nỗi niềm đau đáu của ông có lạc lõng giữa cuộc sống quay cuồng chóng mắt hiện nay hay không. "Nếu như có một cuộc đời mà mỗi phút giây trôi qua đều có ý nghĩa nhân lên nghìn lần, mỗi chúng ta đều yêu thương tới đắm say và thèm sống đến mấy lần cuộc sống ấy vẫn chưa đủ… Phải, nếu quả có được một cuộc đời như thế dù điều đó chỉ dành cho đời con cháu chúng ta mai sau, ta cũng sẵn sàng hiến dâng cả đời mình". Đó là những dòng trong hồi ký của ông.
Vị tiền bối đó chính là Giáo sư Hồ Đắc Di, một bậc triết nhân tay cầm dao mổ. Xin trích một chút từ Lịch sử trường Y Hà Nội để các bác hiểu thêm về con người này, nó cũng là tấm gương cho chúng ta noi theo, chứ không giống như tâm lí cái gì của Tây cũng nhất, sợ Tây khinh ta như thường thấy hiện nay:
"Giáo sư Hồ Đắc Di, người hiệu trưởng đầu tiên của trường Y chúng ta sang Pháp du học năm 1918, năm đó cụ tròn 18 tuổi. Khi tầu qua Địa Trung Hải vẫn còn lo vấp thủy lôi của Đức thả trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Người bảo trợ cho cụ là toàn quyền Albert Sarraut (vì thân phụ cụ Di là thượng thư Hồ Đắc Trung, một trong tứ trụ triều đình triều Duy Tân, có quan hệ cá nhân với toàn quyền). Sau khi tốt nghiệp bác sĩ y khoa, cựu nội trú các bệnh viện Paris, cụ nhớ nhà, đến đòi ông Albert Sarraut cho về nước. Ông này mách cụ xuống Marseille dự thi tuyển thầy thuốc cho Đông Dương. Năm đó (1931) có 3 người trúng tuyển là Hồ Đắc Di, Huard và Cartoux. Hai người Pháp được phân công về Hà Nội còn cụ Di về Huế theo gia đình. Khi đó bệnh viện Huế có một phẫu thuật viên người Pháp tên là Lemoine rất kém cỏi. Mỗi khi mổ xẻ, ông ta thường phải đối chiếu với át-lát giải phẫu. Cụ Di giỏi hơn nhiều mà lại không được mổ, thế là mâu thuẫn dẫn đến vác ghế đánh nhau. Dù là con quan nhưng cuối cùng thì Tây vẫn thắng, cụ Di bị đổi vào Qui Nhơn. Đang lang thang ở Qui Nhơn thì gặp giáo sư Le Roy des Barres đi công tác qua. Khi đó, ông đang là hiệu trưởng trường Y Đông Dương kiêm giám đốc bệnh viện Bảo Hộ, đồng thời là cố vấn y tế cho Toàn quyền. Cụ Di kể lại: "Ông ấy hỏi tôi: Qu'est-ce que tu fais là ? Tôi trả lời: "Je m' amuse !" (Cậu làm gì ở đây ? Tôi chơi !). Từ cuộc gặp gỡ này, giáo sư hỏi cụ có muốn về Hà Nội không, và thế là ông đã can thiệp để Toàn quyền Pierre Pasquier quyết định qua mặt khâm sứ Trung Kỳ, chuyển cụ Di ra Hà Nội (giáo sư làm được việc này vì ông rất thân với toàn quyền). Tất nhiên là khâm sứ Trung Kỳ rất tức tối nhưng không làm gì được. Trách cụ thì cụ thản nhiên trả lời: việc này là do toàn quyền, tôi không biết
Ra tới bệnh viện Bảo Hộ, cụ gặp cụ Vũ Đình Tụng khi đó là y sĩ thường trú của bệnh viện, cụ Tụng bảo cụ: "Toa ra đây làm gì, họ có cho toa mổ đâu !" "Không cho mổ thì moa lại đi" và lập tức, cụ lên gặp Le Roy des Barres để hỏi cho ra lẽ nhưng giáo sư nói: "Anh là cựu nội trú, anh có quyền mổ chứ !". Được lời như cởi tấm lòng, cụ lập tức xuống ra lệnh cho thầy y tá trưởng: "Thầy chuẩn bị cho tôi mổ bệnh nhân này". Thầy y tá tưởng mình nghe nhầm, hỏi lại: "Bẩm cụ mổ ?" - "Chứ sao" - "Cụ đã bẩm quan chánh chưa ?" - "Việc gì tôi phải bẩm, cứ chuẩn bị đi" (Kể đến đây, cụ Di cười sảng khoái: "Thật ra thì mình bẩm rồi, nói thế cho oai thôi. Sau này cụ Hồ biết chuyện, có hỏi tôi năm đó bao nhiêu tuổi. Tôi mới ngoài 30, thế là cụ Hồ gọi đùa tôi là cụ non") Thầy y tá khốn khổ bị kẹt giữa hai làn đạn, không biết kêu ai. May mà mọi chuyện đều êm đẹp và giáo sư Hồ Đắc Di trở thành người Việt Nam đầu tiên được mổ cho bệnh nhân Việt Nam ở chính trên quê hương Việt Nam !
Ngày 11 tháng Chạp năm 1943, cụ Hồ Đắc Di được phong học hàm giáo sư không bộ môn (professeur sans chaire) cùng với Cartoux và là người Việt Nam đầu tiên ở trường Y được phong học hàm này. Với một ý nghĩa nào đó, giáo sư Le Roy des Barres đã có công rất lớn với trường Y khi mang giáo sư Hồ Đắc Di về Hà Nội để sau này kế tục trường Y Đông Dương, khai sinh ra trường Y Cách Mạng trong kháng chiến chống Pháp."
Hiện có 1 bác đang thực tập trong bệnh phòng này. (0 học viên và 1 dự thính)
Bookmarks