Hanoinet - Trước khi học bác sĩ nội trú chuyên ngành Ngoại tổng quát, ĐH Y Dược TPHCM, bạn Đặng Tường Thái đã hơn 1 lần quyết định đi làm khi thấy mình đã ở tuổi 24. Tất cả nhu cầu ăn ở, tư trang cá nhân đều đắt đỏ, tối thiểu mỗi tháng phải 1,5 triệu đồng tiền ăn.
Những vấn đề mà các bàn tay vàng y học của quốc gia trong tương lai phải bận tâm, kiến nghị trực tiếp với Bộ Y tế lại là những chuyện rất nhỏ như: không có được nơi ngả lưng khi phải trực 24/24h nội trú trong bệnh viện, làm sao toàn tâm, toàn ý học phải ngửa tay xin bố mẹ tiền ăn mặc dù đã 24 - 25 tuổi, ra trường biết đi đâu về đâu.
Đó là vấn đề mà có tới 2/3 ý kiến đề đạt của gần 200 bác sĩ nội trú (BSNT) năm thứ nhất đến từ các trường ĐH Y Dược cả nước "hỏi" khi lần đầu tiên được toạ đàm trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Y tế chiều 11/1.
Trước khi học bác sĩ nội trú chuyên ngành Ngoại tổng quát, ĐH Y Dược TPHCM, bạn Đặng Tường Thái đã hơn 1 lần quyết định đi làm khi thấy mình đã ở tuổi 24. Tất cả nhu cầu ăn ở, tư trang cá nhân đều đắt đỏ, tối thiểu mỗi tháng phải 1,5 triệu đồng tiền ăn.
Khi chính thức học BSNT, Thái đã nhận 2 "món" dạy kèm để có tiền trang trải. Nghe thầy giáo khuyên cố gắng toàn tâm toàn ý luyện tài, thế là Thái vẫn phải ngửa tay xin tiền bố mẹ.
Phải ở bệnh viện 24/24h trong thời gian 3 năm, như Thái nói, 2 điều ước lớn nhất của bạn là có được một ngăn tủ đựng vừa máy tính xách tay, điện thoại và áo blue để tránh bị mất. Thứ hai là có một chiếc giường nhỏ độ vài ô gạch để ngả lưng lúc cần thiết.
Cũng như vậy, bạn Huỳnh Thị Lệ, ngành Nhi khoa, ĐH Y Dược Huế cho biết: Có những ca bệnh phức tạp, muốn ở lại đêm tại BV để theo dõi tiến triển bệnh nhân, nhưng không thể được, vì không biết nằm ở đâu, nên đành phải về nhà, có đêm quyết tâm ở lại thì xếp mấy chiếc ghế lại.
Bạn Vũ Hải Hậu, ngành Nội khoa, ĐH Y Hà Nội đề xuất: "Sinh viên muốn vay tiền hiện nay phải ở vùng sâu, vùng xa hoặc hoàn cảnh khó khăn. Đối với BSNT, cũng nên có hình thức quỹ hoặc vay ngân hàng, trả góp để đảm bảo tối thiểu nhu cầu sinh hoạt trong thời gian học".
Thiếu các phương tiện kỹ thuật, thậm chí hoá chất khi học cũng là nỗi trăn trở của nhiều bạn đang học môn y cơ sở như Tế bào học, mô phôi... Theo bạn Nguyễn Phúc Hoàn, bộ môn Mô phôi, ĐH Y Hà Nội, đây là môn nền tảng của y học nhưng máy móc học đã cũ kỹ, thậm chí thiếu nhiều hoá chất.
Trong khi đó, các bạn không được tiếp cận với những phòng thí nghiệm có trang thiết bị khá hơn. Khi ra trường, trong khi BS lâm sàng có thể đi làm thêm ngoài để cải thiện đời sống thì ngành mô phôi phải xoay xở kiểu khác, việc nghiên cứu khoa học không được đầu tư. Trong khi đó, chuyên ngành này sinh ra để làm công tác nghiên cứu, củng cố nền tảng cho y tế mạnh hơn.
Bạn Phạm Văn Tự đang học ngành sản phụ khoa tại ĐH Y Dược Huế. Nhưng quê gốc ở huyện Thanh Oai, Hà Nội nên sau khi ra trường bạn muốn được trở về quê hương làm việc, nên đã nộp hồ sơ tại BV Đa khoa tỉnh Hà Tây (cũ). Nhưng bạn đã được trả lời là không có chỉ tiêu tuyển.
Tại cuộc gặp, bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu thông báo, từ năm nay, khi trúng tuyển, BSNT trở thành cán bộ y tế do Bộ Y tế quản lý, được tuyển dụng vào trường đang học tập và trả lương. Sau khi tốt nghiệp, sẽ được bộ phân công công tác trên cơ sở nguyện vọng.
Phải có kết quả học tập từ khá trở lên suốt 6 năm học, trải qua một kỳ thi tuyển ngặt nghèo, BSNT tiếp tục được đào tạo 3 năm với thời gian 24/24h trong bệnh viện (BV). Khi ra trường, họ được cấp 3 bằng: BSNT, thạc sĩ và BS chuyên khoa I.
Theo: Quang Duy/Lao Động
Nguồn: tintuc.xalo.vn
PS:
Bài này em cũng đã đọc được lâu rồi (khoảng 3 năm trước thì phải), hồi đó (khoảng 3 - 5 năm trở về trước) các bác sĩ nội trú đúng là "nghèo" thật, còn bây giờ (khiêm tốn một tí) chắc cũng đỡ "nghèo" hơn![]()
Bookmarks