- Đánh giá tiên lượng:
+ Xét nghiệm định lượng các thuốc trừ cỏ nhóm bipyridyl hiếm khi có được trong hoàn cảnh lâm sàng, chỉ có ở một vài labo chuẩn mực. Các xét nghiệm độc chất có thể được dùng để khẳng định bệnh nhân đã tiếp xúc và trong trường hợp ngộ độc paraquat để ước tính tiên lượng. Nếu thời gian bệnh nhân uống paraquat được xác định thì với nồng độ trong máu và đồ thị Hart có thể ước tính khả năng bệnh nhân tử vong (hình vẽ).
+ Đồ thị ước tính khả năng sống sót của bệnh nhân (%) dựa trên đường cong xác xuất được xác định bởi nồng độ paraquat đo được ở từng thời điểm cụ thể sau uống.
+ Nồng độ các thuốc trừ cỏ nhóm bipyridyl không cho thấy sự cần thiết để điều trị can thiệp đặc hiệu như trường hợp đồ thị acetaminophen, do đó thời gian không mang tính thúc bách trong việc có được kết quả. Nồng độ ở đây giúp dự báo mức độ nặng và khả năng tử vong.
+ Chỉ số phổi: người ta đã đưa ra chỉ số phổi (RI) để đánh giá diễn biến chức năng phổi trong ngộ độc paraquat. Điều này có thể có giá trị hơn ở những bệnh nhân đến viện sau uống hơn 36 giờ. Trong một nghiên cứu 51 bệnh nhân, tất cả 43 bệnh nhân có chỉ số phổi ³ 1,5 đều tử vong, tẩt cả 8 bệnh nhân có RI < 1,5 đã sống sót (P< 0,0001). RI được tính dựa trên thông số khí máu hoặc bằng A – DO2/ PO2.
RI = 713 ´ FiO2 – PCO2 [FiO2 + (1 – FiO2)/R ] – PO2 = A – DO2/ PO2
Thương số hô hấp R được cho là 0,8.
V. Chẩn đoán xác định
- Tiếp xúc với paraquat, diquat.
- Tổn thương niêm mạc: miệng, họng, thực quản,…
- Nếu bệnh nhân đến trong vòng 24 giờ: xét nghiệm nhanh paraquat, diquat trong nước tiểu giúp khẳng định chẩn đoán.
VI. Chẩn đoán phân biệt
Một bệnh nhân đến viện với bệnh sử uống BH và có suy đa tạng thì chẩn đoán không có gì quá khó khăn. Các trường hợp khó khăn là do vô tình, tai nạn, mức độ nhỏ, đầu độc hoặc bệnh nhân cố tình che đậy.
Bảng 2: Biểu hiện lâm sàng của ngộ độc các thuốc trừ cỏ nhóm bipyridylium va chẩn đoán phân biệt với các chất có thể gây triệu chứng ngộ độc tương tự.
Suy thận cấp | Xơ phổi | Suy đa tạng | Nôn nhiều/ỉa chảy + Xuất huyết tiêu hoá trên |
Acetaminophen
Các aminoglycoside
Amphotericin B
Arsine
Kháng sinh Beta-lactam
Acid boric/các borate
Cisplatin
Cyclosporine
Diethylene glycol
Dinitrophenol
Ethylene glycol
Hydrocarbon có clo
Kim loại:
Arsen
Cadmium
Crôm
Đồng
Thuỷ ngân (muối)
Thalium
Thuốc chống viêm không steroid
Phosphine
Phosphorus
Polymyxin
Các thuốc cản quang
Các sulfonamide
Vancomycin | Nhôm
Amiodaron(dùng lâu)
Thuốc chống uong thư:
Bleomycin
Cyclophophamide
Nhiễm amiăng
Berylium
Crôm
Vàng
Kaolin
Nitrofurantoin (dùng lâu)
Ozone
Phosgene
Silica (bụi phổi)
Bột talc
Tocainide | Abrin (rosary pea)
Colchicine
Fluorides
Fluoroacetate (hợp chất 1080)
I ốt
Sắt
Kim loại:
Asen
Bari
Crôm(muối hoá trị 6)
Thuỷ ngân (muối)
Phosgene
Phosphine
Ricin (caster bean)
Các salicylate
Phosphua kẽm | Thuốc chống ung thư
Bari
Acid boric
Carbamate
Các glycoside tim
Các chất ăn mòn
Colchicine
Ethanol
Fluoride
I ốt
Sắt
Metaldehyde
Kim loại:
Asen
Crôm
Thuỷ ngân
Thiếc hữu cơ
Thalium
ăn nấm , cây cỏ
Nicotine
Hội chứng cai opiate
Phospho hữu cơ
Paraldehyde
Phenol
Phosphorus
Podophyllin
Salicylate
Theophylline
Clorua kẽm
Phosphua kẽm |
VI. Điều trị
- Ngộ độc các thuốc trừ cỏ nhóm bipyridyl là một cấp cứu, cho dù bệnh nhân có hay không có triệu chứng. Thời gian là quan trọng. Đặc biệt với ngộ độc paraquat, những giờ đầu (trong vòng 6 giờ đầu) sau khi uống rất quan trọng và là cơ hội tốt để thực hiện các biện pháp loại lọc máu. Bệnh nhân cần được điều trị càng sớm, càng nhanh thì mới có thể giảm tỷ lệ tử vong. Các biện pháp nên đặc biệt được lưu ý là khẩn trương loại bỏ paraquat qua đường tiêu hoá (gây nôn, rửa dạ dày, than hoạt, …), qua thận (đảm bảo chức năng thận và thể tích nước tiểu đầy đủ), lọc máu hấp phụ, hạn chế cung cấp ôxy ở mức chấp nhận được và dùng corticoid kết hợp với cyclophosphamide chống xơ phổi. Với quan điểm paraquat là chất cực độc với cơ thể, hiện chưa thấy có tài liệu nào cho rằng sau một khoảng thời gian nhất định nồng độ paraquat trong phổi sẽ đạt đến mức bão hoà, như vậy, một khi paraquat còn tồn tại trong cơ thể thì tức là còn có khả năng gây tổn thương thêm cho cơ thể. Trong khi đó, điều trị theo các phác đồ có nghĩa là dùng thuốc theo một liều nhất định, còn bệnh nhân tự tử thì không có liều độc nhất định. Điều này nghĩa là liều chất độc có thể vượt quá tác dụng của một liều thuốc nhất định. Như vậy, tinh thần chung của điều trị ngộ độc paraquat hiện nay là khẩn cấp loại bỏ chất độc (tẩy độc và thải độc) nếu còn cơ hội, áp dụng tích cực tất cả các biện pháp có thể mang lại lợi ích. Điều thận trong suy nhất là việc thở ôxy cho bệnh nhân. Các thông tin sau về điều trị được tổng hợp từ một số tài liệu có lẽ chỉ có tính chất tham khảo và hướng dẫn:
- Nhiều biện pháp điều trị cho ngộ độc toàn thân các thuốc trừ cỏ nhóm bipyridyl dựa trên bệnh sinh của các tác nhân này nhưng không may là hầu hết các biện pháp này đều không cho thấy có hiệu quả. ở thời điểm bệnh nhân đến gặp thày thuốc thì kết quả cuối cùng đã được xác định bởi mức độ tiếp xúc. Tuy nhiên, các biện pháp điều trị hỗ trợ có thể cần thiết ở các bệnh nhân có tiến lượng tốt và vẫn nên được áp dụng cho các bệnh nhân có tiên lượng tồi.
Bảng 3: Điều trị ngộ độc các thuốc trừ cỏ nhóm bipyridyl
· Kiểm soát đường hô hấp và hỗ trợ chức năng sống nâng cao khi cần.
· Loại bỏ chất độc:Dạ dày ruột: than hoạt đa liều, 1g/kg uống.
Da và mắt: rửa bằng nhiều nước. · Truyền dịch tinh thể để đảm bảo lưu lượng nước tiểu 1-2ml/kg/h.
· Ô xy: chi cung cấp khi có thiếu ô xy.
· Giảm đau và an thần nếu cần.
· Loại bỏ chất độc bằng biện pháp thay thế thận:Lọc máu hấp phụ: còn tranh cãi, có lẽ không làm thay đổi kết quả cuối
cùng.
Hemodialysis chỉ khi có suy thận.
Bài niệu cưỡng bức hoặc lọc màng bụng không có tác dụng. |
1. Loại bỏ chất độc
- Mặc dù loại bỏ chất độc qua đường tiêu hoá chưa bao giờ được chứng minh là thay đổi được kết quả cuối cùng của ngộ độc các thuốc trừ cỏ nhóm bipyridyl nhưng nếu thực hiện sớm có lẽ là một biện pháp có giá trị nhất hiện nay trong các trường hợp tiếp xúc đường tiêu hoá. Fuller’s earth và bentonite clay đã từng được đưa vào danh sách thuộc các tác nhân được lựa chọn nhưng than hoạt dễ kiếm hơn và có hiệu quả không kém. Cần dùng than hoạt 100g với người lớn và 1g/kg cho trẻ em trừ khi có chống chỉ định như nôn nhiều không kiểm soát được hoặc bỏng nặng niêm mạc miệng. Dùng than hoạt đa liều chưa được nghiên cứu trong ngộ độc các thuốc trừ cỏ nhóm bipyridyl tuy nhiên cách dùng than hoạt này sẽ không có hại một khi nôn được kiểm soát tốt. Dùng tổng cộng 3 liều, mỗi liều cách nhau 2 giờ. Fuller’s earth được dùng ở dạng dung dịch treo (15 hoặc 30%), người lớn dùng 100-150gam, uống nhiều lần cho đến khi thấy bệnh nhân đại tiện ra thuốc, liều trẻ em 1-2g/kg. Bentonite clay 100-150gam, trẻ em 2g/kg (pha dung dịch treo 7%). Trong điều kiện tại hiện trường xảy ra ngộ độc, ví dụ tại cánh đồng, không có các thuốc giải độc thông thường này thì có thể tạm thời cho bệnh nhân uống nước pha đất sét (pha tới mức đặc sánh) sau khi đã gây nôn thì cũng có tác dụng tốt.
- Sodium polystyrene sulfonate (SPS) (Kayexalate(R)): cần có thêm các nghiên cứu trước khi khuyến cáo dùng thuốc này. Trên thí nghiệm, thuốc có khả năng hấp phụ cao hơn than hoạt gấp 15 lần. Liều dùng cao hơn nhiều so với dùng trong điều trị tăng kali máu.
- Việc các thuốc trừ cỏ nhóm bipyridyl được hấp thu nhanh chóng và khả năng tổn thương đường tiêu hoá do ăn mòn cũng như thiếu bằng chứng cho thấy hiệu quả đã khiến cho rửa dạ dày, syro ipeca hoặc rửa ruột toàn bộ không thể hiện được vai trò. Ipeca có thể có ích trong hoàn cảnh gia đình nếu áp dụng ngay lập tức. Cần cân nhắc nguy cơ nặng thêm tổn thương đường tiêu hoá với số lượng thuốc trừ cỏ bệnh nhân đã uống. Rửa dạ dày có thể có giá trị nếu được làm sớm trong vòng 1 giờ nhưng cần phải cân nhắc với nguy cơ thủng đường tiêu hoá.
- Trong các bệnh nhân ngộ độc paraquat và diquat do cố ý mà tác giả đã gặp, người sống sót duy nhất là một nông dân tự tử bằng cách uống paraquat nhưng đồng thời vô tình cũng ăn một “bữa ăn lớn lần cuối cùng” bằng một loại bánh đa. Bệnh nhân này sau đó nôn tự nhiên và đến khoa cấp cứu trong vòng 5 phút sau uống, than hoạt đã được dùng ngay, sau đó được rửa dạ dày và sau đó tiếp tục được dùng than hoạt.
- Tiếp xúc qua da và mắt cần được xử trí bằng rửa nhiều nước. Khi tiếp xúc qua mắt, cần theo dõi pH và rửa tới khi pH trở về bình thường.
2. Loại bỏ chất độc bằng biện pháp thay thế thận
- Vì nồng độ đỉnh của paraquat trong máu đạt được sau uống 2 giờ, trong vòng 4 giờ sau uống, paraquat khuếch tán vào các tế bào biểu mô phế nang, tất cả các biện pháp nhằm tăng thải trừ paraquat đều phải được bắt đầu tiến hành càng sớm càng tốt. Lọc máu hấp phụ qua cột than hoạt là một biện pháp điều trị còn tranh cãi trong điều trị ngộ độc các thuốc trù cỏ nhóm bipyridyl có thể gây tử vong. Dựa trên lý thuyết là paraquat mặc dù đi vào phổi nhanh chóng, nhưng thể tích phân bố 1,2-1,6L/kg và gắn với protein kém nên nhiều tác giả đã cố gắng tiến hành lọc máu hấp phụ, hemodialysis, bài niệu cưỡng bức để trực tiếp loại bỏ chất độc miễn là tiến hành rất sớm hoặc nồng độ paraquat trong máu thuộc đường gianh giới tử vong. Widdop gây độc paraquat cho chó với liều thấp 10mg/kg, sau đó lọc máu hấp phụ trong vòng 6 giờ sau uống thấy cải thiện tỷ lệ tử vong. Hampson thử nghiệm trên chó thấy tất cả con vật bị ngộ độc paraquat với liều gây chết khi được lọc máu hấp phụ sau uống 12 giờ đều đã chết bất kể thời gian lọc kéo dài bao lâu, chỉ 50% trong số các con vật được lọc máu trong vòng 2 giờ sau uống mới sống sót. Do đó nếu lọc máu sau 6 giờ, tỷ lệ tử vong không được cải thiện. Suzuki “lọc máu hấp phụ tích cực” (ngày đầu tiên lọc liên tục 10 giờ hoặc hơn) trên 40 bệnh nhân trong vòng 15 giờ sau uống paraquat thấy có kéo dài thời gian sống của bệnh nhân nhưng không cải thiện tỷ lệ tử vong. Như vậy, lọc máu hấp phụ được tiến hành sớm, 4-6 giờ sau khi bệnh nhân uống paraquat, có thể là một biện pháp có vai trò rõ ràng trong điều trị hiện nay.
- Mặc dù Okenek và các cộng sự đã chứng minh độ thanh thải của paraquat tăng lên khi lọc máu hấp phụ qua cột than hoạt trên chuột và các tác giả này đã mạnh mẽ ủng hộ biện pháp này nhưng thống nhất hiện nay là lọc máu hấp phụ không làm thay đổi kết quả cuối cùng. Mặc dù lọc máu hấp phụ qua cột than hoạt có thể làm tăng thải trừ các thuốc trừ cỏ nhóm bipyridyl nhưng tiên lượng không thay đổi. Điều này bởi vì ít nhất có 3 yếu tố: (1) bệnh nhân thường uống liều cao gấp nhiều lần liều chết, (2) không có cách nào tin cậy để tách biệt các trường hợp uống số lượng có thể gây chết và không gây chết và (3) thời gian trì hoãn trước khi tiến hành biện pháp này thường đủ để cho các thuốc trừ cỏ nhóm này được hấp thu và phân bố với số lượng gây chết, ngay cả khi quyết định lọc nhanh chóng. Hơn nữa, khi chức năng thận còn bình thường, khả năng đào thải paraquat của thận hiệu quả hơn lọc máu hấp phụ 3-10 lần.
- Lọc máu liên tục: có thể giúp loại bỏ lượng paraquat được tái phân bố từ các tổ chức trở lại tuần hoàn khi bệnh nhân ở giai đoạn muộn.
- Hemodialysis có thể được tiến hành vì suy thận cấp nhưng cả hemodialysis và lọc màng bụng đều không có hiệu quả trong việc làm tăng độ thanh thải chất độc.
3. Điều trị hỗ trợ
- Việc truyền dịch tinh thể sớm là quan trọng để điều trị mất nước, thường là nặng, duy trì lưu lượng nước tiểu 1-2ml/kg/h. Con đường đào thải các thuốc trừ cỏ nhóm bipyridyl chủ yếu là thận. Lưu lượng nước tiểu đầy đủ là tối cần thiết để đào thải sớm chất độc và có thể làm chậm sự xuất hiện của suy thận. Tuy nhiên bài niệu cưỡng bức lại không có vai trò gì.
- Ô xy có thể làm nặng thêm tổn thương phổi bằng việc cung cấp thêm cơ chất cho quá trình hình thành các gốc superoxide. Có tài liệu (Rhodes, 1974) cho thấy trên động vật, cho thở ôxy 10% tốt hơn 21% (khí phòng), các nghiên cứu khác trên chuột cho thấy tỷ lệ tử vong tăng lên khi cho chuột thở ôxy liều cao. Theo Haley, 1979 và Hayes, 1982, cung cấp ôxy đảm bảo PaO2 ở mức > 40-50mmHg. Tuy nhiên, cho bệnh nhân thở bằng hỗn hợp khí ít ôxy cũng không ngăn cản được quá trình tổn thương phổi, chưa có các nghiên cứu có tính kết luận về quan điểm này, do đó khi bệnh nhân bị thiếu ôxy vẫn cần được cung cấp ôxy, chỉ không nên cung cấp ô xy một cách thường quy.
- Với ngộ độc paraquat mức độ gây tử vong, việc điều trị với mục đích giảm nhẹ là cách tốt nhất. Điều trị hỗ trợ tốt, bao gồm giảm đau và chống lo lắng là rất quan trọng. Bởi vì điều trị nội khoa lại thất bại một cách tồi tệ trong việc làm cho bệnh nhân từ mức độ ngộ độc các thuốc trừ cỏ nhóm bipyridyl từ trung bình sang mức độ nặng nên các nhân viên y tế, bệnh nhân và gia đình bệnh nhân thường hoang mang. Nghệ thuật của y học đóng vai trò rất quan trọng ở đây chính là biện pháp tiếp cận cực kỳ khéo léo trước một cái chết đang đến gần. Trung thực với tiên lượng, không lấy đi niềm hy vọng, nhấn mạnh những điều có thể làm được ( ví dụ giảm đau, các dịch vụ chăm sóc về xã hội, vai trò của mục sư) là rất cơ bản trong một tình huống ác nghiệt.
- Ghép phổi đã được người ta làm nhưng không thành công.
4. Điều trị đặc hiệu
- Mặc dù người ta vẫn tích cực tìm kiếm nhưng cho tới nay vẫn chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu nào có ích lợi. Chưa có bằng chứng lâm sàng nào ủng hộ cho việc sử dụng thuốc giải độc trong ngộ độc paraquat.
- Các biện pháp đặc hiệu đã nghiên cứu trong ngộ độc paraquat:
+ Không cho thở ôxy (chỉ thở ôxy một bên phổi): Fogt và Zilker (1989) dùng biện pháp hoá học để thắt phế quản gốc một bên trên chuột, làm ngừng cung cấp ôxy và xẹp phổi hoàn toàn (qua đó làm giảm tưới máu phổi), phổi còn lại được tiếp tục cung cấp ôxy. Sau thắt 2 giờ, chuột bị gây độc paraquat với liều chết. 4-12 ngày sau đó, các con chuột đã chết, tổn thương mô bệnh học của phổi bên bị thắt không có đặc điểm của nhiễm độc paraquat. Liệu kết quả này có ý nghĩa điều trị ?
+ Desferrioxamine: nhiều tác giả áp dụng nguyên lý ôxy hoá sắt và hình thành hydroxyl (phản ứng Fenton) trên chuột, dùng desferrioxamine để gắp sắt sẽ làm giảm việc hình thành các gốc tự do hydroxyl độc, cải thiện tỷ lệ tử vong ở chuột bị ngộ độc. Tuy nhiên kết quả là tỷ lệ tử vong đều không được cải thiện.
+ Các chất chống ôxy hoá và các chất điều hoà sinh hoá khác: lập luận dùng các chất này dựa trên hiện tượng các chất chống ô xy hoá và chất điều hoà sinh hoá hoạt động giống như các chất làm giảm và dọn dẹp các gốc tự do.
(1) Năm 1984, Schvartman thử nghiệm dùng hỗn hợp vitamin C và riboflavin trên chuột thấy cải thiện tỷ lệ sống.
(2) Nhiều tác giả khác đã nghiên cứu nhưng không thấy ích lợi khi dùng vitamin E, niacin, glutathione, GSH, selenium, N-Acetylcystein (chất cho nhóm sulphydryl), superoxide dismutase (để phá huỷ các superoxide dư thừa), clofibrate (kích thích hoạt tính enzym catalase)
+ Chất ức chế nhập paraquat vào phổi: trên nghiên cứu, người ta chưa thấy được lợi ích của các chất polyamine, putrescine, D-propranalol, propranalol trong ngộ độc paraquat.
- Cortocoid, cyclophosphamide, chất ức chế collagen (L-3,4-dehydroproline): kết hợp corticoid và cyclophosphamide đã giảm được tỷ lệ tử vong ở các bệnh nhân ngộ độc paraquat mức độ trung bình và nặng nhưng không làm thay đổi tỷ lệ tử vong khi ngộ độc ở mức độ tối cấp, tuy nhiên đây vẫn là một biện pháp đang được áp dụng và hy vọng hiện nay. Có nhiều phác đồ đã được áp dụng, ví dụ:Phác đồ 1:
Methylprednisolon: 15mg/kg/ngày, pha truyền tĩnh mạch. Trong 3 ngày. Và:
Cyclophophamide: 15mg/kg/ngày, pha truyền tĩnh mạch. Trong 2 ngày.
Sau đó có thể cho thêm: Dexamathasone 8mg/lần x 3 lần/ngày, trong 14 ngày, tiêm tĩnh mạch.
Phác đồ 2:
Daxamethasone 10mg/lần, 3lần/ngày x 7 ngày.
Cyclophophamide 1,7mg/kg/lần, 3 lần/ngày, trong 14 ngày.
VII. Hướng xử trí
- Tất cả các bệnh nhân nghi ngờ uống các thuốc trừ cỏ nhóm bipyridyl cần được khẩn cấp sơ cứu và đưa tới các cơ sở y tế gần nhất. Việc sơ cứu theo các nguyên tắc chung, đặc biệt là gây nôn và uống than hoạt hoặc đất sét hay các chế phẩm từ đất sét. Tại các cơ sở y tế, việc tích cực loại trừ chất độc qua đường tiêu hoá, bài niệu tích cực, các kỹ thuật lọc máu có trong tay cùng với các biện pháp hồi sức, chống ôxy hoá, corticoid và cyclophosphamide cần được tiến hành nhanh chóng, khẩn trương, đồng thời với nhau để cho ra một kết quả tốt nhất có thể. Việc áp dụng các kỹ thuật lọc máu sớm và các phác đồ dùng corticoid và cyclophosphamide mặc dù cần được nghiên cứu thêm nữa cho đầy đủ nhưng cũng đang góp phần lớn đem lại hy vọng sống cho bệnh nhân.
VIII. Di chứng
- Các bệnh nhân tiếp xúc với các thuốc trừ cỏ nhóm bipyridyl thường tử vong hoặc nêu không thì hồi phục hoàn toàn. Với các trường hợp ngộ độc trung bình và nhẹ, khoảng thời gian giữa thời điểm uống và tử vong thường 20- 30 ngày, thậm chí có trường hợp tới 102 ngày. Người ta đã thông báo về hiện tượng xơ phổi kéo dài ở những người sống sót nhưng đây là hiện tượng khác thường. Hiếm có thông báo về sống sót sau uống diquat và người ta biết còn rất ít về các hậu quả lâu dài ở những người sống sót.
Chlormequat
Chlomequat được sản xuất ở dạng dung dịch 11.8% (Cycocel) để bảo vệ hồ tiêu, các loại ngũ cốc. Đã có trường hợp tử vong sau khi uống nhầm một ngụm dung dịch này nhưng độc tính thường xuất hiện khi tiếp xúc với số lượng lớn (> 1 L).
Triệu chứng nhiễm độc giống như ngộ độc các chất kháng cholinesterase nhưng chlormequat thực sự không phải là chất kháng cholinesterase và khi ngộ độc chlormequat không nên điều trị giống như ngộ độc các chất kháng cholinesterase (ví du như dùng atropine). Triệu chứng thường gặp của ngộ độc là kích ứng niêm mạc, tăng tiết nước bọt, co đồng tử và các tác dụng trên tim như nhịp chậm, loạn nhịp thất, ngừng tim, phù phổi.
Điều trị: điều trị chủ yếu là bằng diazepam (nếu có co giật), tránh dùng atropine, loại bỏ chất độc qua đường tiêu hoá kết hợp với than hoạt.
Morfamquat
Được sử dụng ít hơn so với paraquat và diquat. Conning và các cộng sự cho thấy khi cho chuột ăn thức ăn có chứa morfamquat biểu hiện ngộ độc bằng tổn thương thận. Chưa có thông báo nào trên người hay động vật về độc tính của morfamquat. Chất này chỉ được sử dụng ở Anh nhưng về mặt điều trị ngộ độc, nói chung khuyến cáo cũng tương tự như ngộ độc paraquat.
Tài liệu tham khảo:
1. Alvin C. Bronstein, Herbicides, chapter 239, Medical toxicology, 3rd ed, Lippincott William and Wilkins, 1515-1529, 2004.
2. Brent R. Ekins, Richard J. Geller, Paraquat and diquat, Chapter 106, Clinical toxicology, WB. Saunders company, 841-847, 2001.
3. James F. Winchester, Paraquat and the bipyridyl herbicides, Clinical management of poisoning and drug overdose, 3rd ed, WB. Saunders company, 845-855, 1998.
4. Rebecca L. Tominack, Susan M. Pond, Herbicides, chapter 91, Goldfrank’s toxicologic emergencies, 7th ed, Mc Graw-Hill, 1393-1410, 2002.
5. Thomson Corporation, Paraquat, Poisindex, 2002.
Toxinz, Paraquat, National poison information centre, New zealand, 2006.
Bookmarks