NGỘ ĐỘC (Toxicology)
Nicholas M. Mohr, Devin P. Sherman
và Steven L.Brody
Trên 2,5 triệu trường hợp ngộ độc do tai nạn hoặc cố ý được các Trung tâm chống độc Hoa kỳ ghi nhận trong năm 2008, các trường hợp này gây ra 1315 tử vong và trên 93.000 trường hợp phải nhập điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực. Trong số các trường hợp tử vong, 91% các trường hợp xảy ra ở bệnh nhân ≥ 20 tuổi. Tử vong thường gặp nhất là do cố ý uống quá liều và chất gây độc thường gặp là thuốc an thần/gây ngủ/ thuốc chống loại thần (14,8%), opi (12,7%), acetaminophen dùng đơn độc hoặc kết hợp (12,7%), thuốc chống trầm cảm (7,8%), thuốc tim mạch (7,5%), ethanol (6,7%) và thuốc gây hưng phấn bán lậu (stimulant street drugs) (5,8%) . Mặc dù phần lớn các biện pháp xử trí ban đầu được thực hiện tại Khoa Cấp cứu, song các bác sĩ Hồi sức có thể phải xử trí bệnh nhân ngộ được tiếp sau đó.
CÁC BƯỚC CƠ BẢN TRONG XỬ TRÍ BỆNH NHÂN NGỘ ĐỘC
Lược đồ 33.1 trình bày các điểm chính trong xử trí bệnh nhân ngộ độc:
1. Trước tiên, tập trung vào các bước ABC (A [Airway]: Kiểm soát đường thở; B [Breathing]: Hỗ trợ hô hấp, và C [Circulation]: Bảo đảm tuần hoàn):
- Đặt ống NKQ để bảo vệ bảo vệ đường thở và thông khí nhân tạo khi có suy hô hấp
- Đặt một đường truyền TM và cho dùng dịch tinh thể (Vd: NaCl 0,9%) khi có tụt HA. Ghi điện tim và lấy máu làm các xét nghiệm thường quy. Lấy thêm một ống máu khác để định lượng nồng độ chất độc hoặc thuốc trong huyết thanh.
2. Điều trị các nguyên nhân tiềm ẩn có thể hồi phục được gây tình trạng rối loạn ý thức hoặc hôn mê:
- Đánh giá nhanh nồng độ đường huyết và điều trị tình trạng hạ đường huyết , nếu có chỉ định (trước khi đặt NKQ nếu có thể): truyền 25g glucose TM theo kinh nghiệm (1 ống glucose 50%)
- Thiamin 100 mg tiêm TM
- Naloxon 0,4–2 mg TM hoặc tiêm bắp nếu nghi ngờ ngộ độc opi
3. Đánh giá và điều trị các hội chứng độc (toxidrome) và cho dùng thuốc giải độc (antidote) đặc hiệu nếu có chỉ định (xem Bảng 33.1 và 33.2). Gọi Trung tâm chống độc để tư vấn điều trị.
4. Thực hiện các biện pháp thích hợp ngăn ngừa hấp thu chất độc (Xem phần “Tẩy độc qua dạ dày”)
5. Thực hiện các biện pháp làm tăng thải trừ chất độc nếu thích hợp (Xem phần “Tăng thải trừ thuốc”)
ĐÁNH GIÁ TẠI KHOA CẤP CỨU
Đánh giá ban đầu bệnh nhân ngộ độc phải được bắt đầu bằng đánh giá theo các bước ABC: A (Airway): Đường thở; B (Breathing): Hô hấp và C (Circulation): Tuần hoàn. Tình trạng ức chế hô hấp, mất phản xạ bảo vệ đường thở, và hít vào phổi là các hậu quả thường gặp trong ngộ độc theo đường uống. Bệnh nhân nều còn tỉnh cần được theo dõi chặt để phát hiện kịp thời các tác dụng của thuốc xẩy ra trễ, các bệnh nhân lơ mơ hoặc ngủ gà hoặc bệnh nhân có cơn co giật tái phát có thể cần được đặt ngay ống NKQ. Khi nghi ngờ, cần bảo đảm một đường thở an toàn bằng cách đặt ống NKQ. Cần tiến hành các biện pháp chăm sóc làm sạch chất tiết và tránh tắc nghẽn đường thở.
Suy thông khí ở bệnh nhân ngộ độc có thể do ức hế hô hấp (Vd: do thuốc an thần) hoặc yếu/liệt cơ (Vd: do độc tố botulium trong tình trạng ngộ độc thịt). Xét nghiệm các chất khí trong máu động mạch sẽ thấy tăng PaCO2. Ngủ gà hoặc lơ mơ trong bệnh cảnh tăng PaCO2 là chỉ định đặt ống NKQ và tiến hành thông khí hỗ trợ cho bệnh nhân. Cũng có thể thấy tình trạng co thắt phế quản trong trường hợp ngộ độc do hít phải khói hoặc các chất độc khác, và điều trị bằng thuốc dãn phế quản có thể hữu ích.
Giảm nồng độ oxy máu có thể xẩy ra như hậu quả của tình trạng giảm thông khí do độc chất gây ra, hít vào phổi, hoặc phù phổi. Nên chỉ định sử dụng oxy cho tất cả các bệnh nhân có tình trạng lơ mơ trong lúc đánh giá ban đầu. Điều trị tình trạng giảm nồng độ oxy máu nặng có thể cần cho bệnh nhân thở máy hoặc dùng nồng độ oxy khí thở vào (FiO2) cao.
Loạn nhịp tim, tụt HA, và trụy mạch/shock có thể xảy ra trong ngộ độc. Cần tiến hành đặt đường truyền TM và truyền dịch cho bệnh nhân tụt HA. Nên tiến hành theo dõi ĐTĐ liên tục và ghi điện tim cho bệnh nhân. Bệnh nhân không bắt được mạch hoặc có tình trạng huyết động không ổn định cần điều trị theo phác đồ hồi sinh tim phổi nâng cao. Tuy nhiên, người thày thuốc cần biết là ngừng tim do ngộ độc gây nên (toxin-induced cardiac arrest) đôi khi có thể cần được điều trị hỗ trự đặc hiệu. Ví dụ, các nhịp nhanh vô mạch với QRS dãn rộng do ngộ độc thuốc chống trầm cảm ba vòng phải nhanh chóng được điều trị bằng natri bicarbonat; tương tự, tình trạng ngừng tim do tăng kali máu trong trong ngộ độc salicylat cũng cần được điều trị bằng natri bicarbonat. Hơn nữa, cần tránh áp dụng một số điều trị thông thường đối với một số loại ngộ độc (Vd: dùng thuốc chẹn beta giao cảm trong ngộ độc cocain).
Tất cả các bệnh nhân bị rối loạn ý thức (đặc biệt là bệnh nhân ngộ độc) cần được tiến hành sàng lọc phát hiện tình trạng hạ đường huyết hoặc cần được điều trị theo kinh nghiệm bằng glucose TM (25g hay 1 ống Dextrose 50). Thiamin (100mg tiêm TM) và Naloxon (0,4-2 mg TM) cũng có thể được dùng cho bệnh nhân nghi ngờ bị bệnh não Wernicke và ngộ độc opiat. Tất cả các bệnh nhân dùng thiamin cũng nên được truyền tĩnh mạch glucose.




CÁC CHIẾN LƯỢC CHẨN ĐOÁN
Các nguyên tắc cơ bản
- Tất cả các trường hợp quá liều thuốc phải được xem xét như là quá liều nhiều loại chất gây độc cho tới khi chứng minh chắc chắn được chất gây độc. Opiat và ethanol là các chất gây độc thường gặp trong ngộ độc nhiều loại chất gây độc
- Phải luôn loại trừ các trường hợp sử dụng tới liều gây chết một số chất có điều trị đặc hiệu sau:
+ Acetaminophen (định lượng nồng độ thuốc trong huyết thanh)
+ Thuốc chống trầm cảm ba vòng ( xét nghiệm sàng lọc định tính nước tiểu, ghi ĐTĐ)
+ Salicylat (định lượng nồng độ thuốc trong huyết thanh)
- Các tình trạng bệnh có từ trước và uống đồng thời các thuốc khác có thể làm nhiễu các biểu hiện “kinh điển” của ngộ độc.
- Xét nghiệm sàng lọc độc chất được chỉ định ban đầu khi tiếp nhận bệnh nhân rất khác nhau tùy từng cơ sở khám chữa bệnh, và thường không nhạy và không đặc hiệu. Cần nằm rõ xét nghiệm sàng lọc độc chất này tại cơ sở điều trị của mình và tránh tin quá mức vào kết quả xét nghiệm sàng lọc độc chất này mà không dựa trên các hội chứng độc trên lâm sàng.
- Khai thác tiền sử-bệnh sử, khám thực thể và xét nghiệm phải tập trung để phát hiện hoặc khẳng định có phơi nhiễm với các chất độc đặc hiệu nếu chưa biết rõ ngộ độc gì.
Các hội chứng độc (Toxidromes)
Một hội chứng độc (toxidrome) là tập hợp các dấu hiệu và triệu chứng có thể được thấy sau khi tiếp xúc với một nhóm chất gây độc đặc hiệu (Bảng 33.1). Khám thực thể cần được tiến hành với sự chú ý đặc biệt tới các dấu hiệu sinh tồn, tình trạng ý thức, kích thước đồng tử, và tình trạng tâm thần vận động giúp gợi ý một hội chứng độc đặc hiệu.
Bệnh sử uống chất gây độc
Cần có thông tin chính xác về lượng chất gây độc được bệnh nhân uống. Các chi tiết đặc hiệu cần tìm hiểu bao gồm loại và lượng chất gây độc được uống, và toàn bộ các thuốc đang được bệnh nhân điều trị ngoại trú sử dụng cần được xác định. Các thông tin chi tiết thích hợp có thể thu được từ những người tiếp xúc ban đầu với bệnh nhân (Vd: các nhân viên cấp cứu) hoặc hỏi bệnh nhân. Cần biết rằng bệnh sử thu được có thể không đáng tin hoặc không hoàn chỉnh, vì vậy cần đánh giá nghiêm túc về khả năng bệnh nhân uống nhiều thuốc gây độc.
Sử dụng tối ưu các xét nghiệm
Các xét nghiệm cơ bản bao gồm các xét nghiệm đánh giá chuyển hóa toàn diện và công thức máu. Mẫu máu động mạch cần được phân tích bằng đầu đo nồng độ CO (co-oxymetry) khi có tình trạng suy hô hấp, rối loạn ý thức, ngủ gà, hôn mê hoặc xanh tím. Nồng độ ethanol, acetaminophen và salicylat huyết thanh, cũng như xét nghiệm nước tiểu sàng lọc tìm các chất ma túy và thuốc chống trầm cảm ba vòng cần được gửi xét nghiệm. Nồng độ digoxin, lithium, theophyllin, phenytoin và sắt trong huyết thanh có thể hữu ích nếu bệnh nhân được biết là có sử dụng hoặc có thể tiếp cận với các thuốc này. Không được trì hoãn điều trị vì phải chờ đợi kết quả xét nghiệm nếu tình trạng uống các chất này bị nghi vấn.
Người thày thuốc phải rất thận trọng khi sử dụng và phân tích test sàng lọc độc chất. Xét nghiệm sàng lọc định tính huyết thanh hoặc nước tiểu có thể cho thấy là bệnh nhân có “ tiếp xúc” với nhiều nhóm thuốc khác nhau, song lại không thể phân định là liệu tiếp xúc với một chất này hay chất khác là thủ phạm gây biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân. Nhiều chất gây nghiện không được gộp vào danh sách sàng lọc đối với các thuốc bị làm dụng sử dụng. Thêm nữa, tùy thuộc vào thời gian uống chất độc, uống đồng thời với các chất khác và độ nhậy của test được sử dụng, kết quả test sàng lọc có thể âm tính giả ngay cả khi co tình trạng ngộ độc. Một số test đánh giá chất chuyển hóa của một thuốc, trong khi các test khác lại có thể xét nghiệm chỉ đối với một số thuốc trong một nhóm thuốc chuyên biệt (Ví dụ: một số test sàng lọc opiat cho kết quả âm tính với methadon hoặc fentanyl). Vì vậy, test sàng lọc độc chất có thể được sử dụng để cung cấp bằng chứng ủng hộ cho nghi vấn lâm sàng, còn xử trí phải được hướng dẫn bằng cách khai thác tiền sử -bệnh sử cẩn thận và phát hiện các hội chứng độc, và điều trị được hướng dẫn dựa trên các dấu hiệu lâm sàng.
Có thể tìm thấy các bằng chứng đối với các ngộ độc đặc hiệu bằng cách chú ý tới “ba khoảng trống”: (1) khoảng trống anion, (2) khoảng trống áp lực thẩm thấu, và (3) khoảng trống độ bão hòa oxy.
Tăng khoảng trống anion có thể chỉ dẫn bệnh nhân có uống các chất gây độc như ethylen glycol, methanol, hoặc salicylat. Công thức tính khoảng trống anion trong huyết thanh được trình bày ở dưới và các nguyên nhân gây tăng khoảng trống anion được trình bày trong Bảng 33.3.
Khoảng trống anion = [Na+] – ([Cl-] + [HCO3-])
Giới hạn bình thường của khoảng trống anion là 7-13 mEq/L, nhưng giá trị này có thể thay đổi tùy theo phòng xét nghiệm.

Tăng khoảng trống áp lực thẩm thấu máu (Osmolar gap) có thể được gặp sau ngộ độc rượu. Khoảng trống áp lực thẩm thấu huyết thanh là khác biệt giữa áp lực thẩm thấu huyết thanh đo được và áp lực thẩm thấu huyết thanh được tính toán. Như vậy, tăng khoảng trống áp lực thẩm thấu máu phản ánh là có trong máu các chất có hoạt tính thẩm thấu, song các chất này lại không được tính tới khi áp dụng các công thức tính toán áp lực thẩm thấu máu thường quy. Công thức được sử dụng để tính toán khoảng trống áp lực thẩm thấu máu sẽ được trình bày ở dưới và Bảng liệt kê các nguyên nhân gây tăng khoảng trống áp lực thẩm thấu được trình bày trong Bảng 33.4
Áp lực thẩm thấu (Osm) được tính toán | = | 2[Na+] + [Urê] + [Glucose] + [Ethanol]/4,6 |
Trong đó: [Na+] được biểu thị theo đơn vị mmol/L; [urê], [glucose] được biểu thị theo đơn vị mmol/L và [ethanol] được biểu thị theo đơn vị mg/dL.
Khoảng trống áp lực thẩm thấu (Osmolar gap) | = | Áp lực thẩm thấuđo được – Áp lực thẩm thấuđược tính toán |
(giá trị bình thường <10)

Khoảng trống độ bão hòa oxy (Oxygen saturation gap) là thuật ngữ được sử dụng để mô tả sự khác biệt giữa phần trăm nồng độ bão hòa oxy máu (được đo bằng máy đo độ bão hòa oxy mạch nảy [pulse oximetry hay SpO2] hoặc được ước tính từ áp lực riêng phần oxy máu động mạch [PaO2] khi được so sánh với nồng độ phần trăm oxyhemoglobin (SaO2) (được đo bằng bộ đo co-oxymetry). Xuất hiện khoảng trống độ bão hòa oxy có thể chỉ dẫn cho tình trạng ngộ độc khí CO (carbon monoxide), cyanid hoặc sulfid hydrogen, hoặc có một bệnh lý hemoglobin mắc phải, như xẩy ra trong tình trạng methemoglobin máu. Nếu bệnh nhân nghi vấn bị nhiễm độc các chất này, mẫu máu động mạch cần được phân tích bằng đầu đọc co-oxymetry do bộ đo này có khả năng định lượng được nồng độ của oxyhemoglobin, deoxyhemoglobin, methemoglobin và carboxyhemoglobin trong mẫu bệnh phẩm. Trái lại, hầu hết các bộ đo độ bão hòa oxy mạch nảy (SpO2) đo độ hấp thụ ánh sáng chỉ ở hai bước sóng (tương ứng với oxyhemoglobin và deoxyhemoglobin). Ngoài ra, một số máy phân tích các chất khí trong máu sẽ tính toán phần trăm oxyhemoglobin bằng cách vẽ đồ thị biểu diễn PaO2 trên đường phân ly oxy-hemoglobin chuẩn. Các kết quả này có thể là các thông số chỉ dẫn sai đối với tình trạng oxy hóa máu trong bệnh cảnh bệnh nhân bị bệnh lý hemoglobin mắc phải, và điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải phân tích mẫu máu bằng bộ đo co-oxymetry đối với các trường hợp kể trên.
Bookmarks