TÌNH DỤC ĐỒNG GIỚI
TS. BS. Nguyễn Quang
Trung tâm Nam học - Bệnh viện Việt Đức
1. Đại cương
Tình dục đồng giới (homosexuality- TDĐG)
Tình dục đồng giới là tình trạng một người có xu hướng và sở thích quan hệ tình dục với người cùng giới. Ở nam giới gọi là đồng giới nam còn ở nữ giới gọi là đồng giới nữ. Xu hướng tình dục là một trong bốn yếu tố tạo nên tính dục ở người
Tính dục người được cấu thành từ bốn yếu tố:
- Giới sinh học (nhiễm sắc thể giới tính X và Y, ngoại hình, nội tiết tố)
- Bản sắc giới (sự tự ý thức về bản thân mình thuộc giới nào)
- Vai trò xã hội của giới (các hành vi, thái độ cư xử, thái độ ứng xử theo kiểu của nam hay của nữ)
- Xu hướng tình dục (sở thích hay ham muốn quan hệ tình dục với một giới nào đó).
Theo định nghĩa của Ủy ban Giáo dục Tình dục Hoa Kỳ (1990): tính dục là tổng thể các khía cạnh đặc trưng của nhân cách một con người và luôn luôn thay đổi trong suốt cuộc đời. Tính dục phản ánh tính cách con người chứ không phải chỉ là sự phản ánh bản chất sinh dục đơn thuần. Vì là tổng thể các khía cạnh đặc trưng của nhân cách nên tính dục liên quan tới yếu tố sinh học, tâm lý, xã hội, tinh thần và văn hóa của đời sống. Những yếu tố này ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách và mối quan hệ giữa người với người và do đó tác động trở lại xã hội.
Ảnh minh họa. Nguồn: BBC
Tính dục là một khái niệm có nội hàm rộng lớn bao gồm mọi khía cạnh đặc trưng của con người như tình dục, các đặc trưng tâm lý, thái độ và hành vi ứng xử. Nói một cách khác, tính dục bao gồm cả khái niệm tình dục và nhân cách. Do vậy, các yếu tố cấu thành nên tính dục cũng là những yếu tố cấu thành nên nhân cách của một con người.
Ở người tình dục đồng giới có một yếu tố khác với những người tình dục khác giới là xu hướng tình dục, còn các yếu tố khác như bản sắc giới, giới sinh học và vai trò xã hội của giới thì hoàn toàn giống nhau.
Xu hướng tình dục là sự hấp dẫn bền vững về mặt tình cảm và tình dục với một người thuộc giới nào đó:
Có bốn xu hướng tình dục (XHTD):
- XHTD khác giới (heterosexuality): Có ham muốn và sinh hoạt tình dục với người khác giới như bình thường.
- XHTD đồng giới (homosexuality): Chỉ ham muốn và quan hệ tình dục với người cùng giới.
- XHTD lưỡng giới (bisexuality): Có ham muốn và thích quan hệ tình dục với cả hai giới.
- Không có XHTD với bất cứ giới nào (asexuality): Không ham muốn quan hệ tình dục với bất cứ giới nào.
Quan điểm hiện nay cho rằng XHTD được hình thành ở một cá thể ngay từ rất sớm do tác động qua lại của rất nhiều yếu tố sinh học, tâm lý và xã hội.
2. Nguyên nhân tình dục đồng giới
Có bốn nguyên nhân:
2.1. Lý thuyết phân tâm học của Freud
- Theo Freud, bình thường trong thời kỳ phát triển tính dục ở cả trẻ trai và trẻ gái đều tồn tại một phức hợp Ơ đíp. Có nghĩa là trẻ trai thì yêu mẹ một cách dục tính, ngược lại trẻ gái thì yêu cha một cách dục tính. Để được yêu mẹ, trẻ trai cố gắng học hỏi cách cư xử và ứng xử của cha để được yêu mẹ giống như cha. Để được yêu cha, trẻ gái cố gắng học hỏi cách ứng xử của mẹ để được yêu cha giống như mẹ. Nhờ phức hợp này mà trẻ trai hình thành nên nhân cách của một người đàn ông, còn ở trẻ nữ sẽ hình thành nên nhân cách của một người phụ nữ.
- Hiện tượng đồng giới xảy ra khi xuất hiện mặc cảm Ơ đíp. Trẻ trai, do mặc cảm và quá lo sợ vì đã yêu mẹ một cách dục tính nên đã không dám yêu người khác giới mà quay lại yêu người đồng giới với mình. Ở trẻ gái, cũng vì quá lo sợ, mặc cảm và xấu hổ vì đã yêu cha một cách dục tính nên không dám yêu người khác giới mà quay lại yêu người đồng giới với mình.
Như vậy, theo học thuyết này thì tình dục đồng giới xảy ra từ nhỏ ngay khi trẻ chưa có trải nghiệm về tình dục. Tình dục đồng giới bắt nguồn từ tiềm thức của con người chứ không phải là ý thức, nó nằm ngoài ý muốn của chủ thể.
2.2. Lý thuyết về di truyền học
Qua nhiều nghiên cứu trên các cặp sinh đôi cùng trứng và khác trứng, các nhà di truyền cho rằng gen đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành xu hướng tình dục đồng giới nhưng đó không phải là yếu tố duy nhất mà còn có tác động của các yếu tố môi trường.
2.3. Rối loạn nội tiết tố
Ở nam giới có nội tiết tố nữ tăng cao, ngược lại nội tiết tố nam giới lại giảm thấp nên tính tình ẻo lả, có sở thích tình dục là thích đàn ông. Ngược lại, ở nữ giới nội tiết tố nam tăng cao, nội tiết tố nữ thấp nên bên ngoài giống đàn ông, tính nết giống đàn ông và sở thích tình dục thích phụ nữ.
2.4. Tập quán sinh hoạt
Những người sống thời gian dài trong môi trường chỉ toàn nam hay toàn nữ như các thủy thủ sống trên tàu viễn dương và lính đảo xa đất liền, ... bị thiếu thốn về tình cảm và tình dục lâu ngày dễ nảy sinh ham muốn tình dục đồng giới nhằm giải tỏa nhu cầu tình dục của mình.
Một người sống trong một môi trường của những người đồng tính lâu ngày cũng dễ phát sinh ham muốn tình dục đồng giới.
Một em bé khi mới bước vào tuổi dậy thì được tiếp xúc với các xúc cảm tình dục đồng giới do người lớn dụ dỗ hay bắt ép lâu dần cũng dễ hình thành nên một xu hướng tình dục đồng giới.
Những trường hợp trên ban đầu chỉ là những ham muốn tình dục đồng giới tạm thời nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục trong những điều kiện nhất định. Khi những ham muốn và xúc cảm này xảy ra liên tục và kéo dài sẽ dần dần hình thành nên một xu hướng tình dục mới (xu hướng đồng giới) như một phản xạ có điều kiện. Tuy nhiên, xu hướng này chỉ là tạm thời và có thể thay đổi được khi hoàn cảnh thay đổi và bản thân người đồng giới muốn thay đổi
* Y học dựa trên bằng chứng:
Trên thử nghiệm, Phoenix và cộng sự (1959) thấy những con lợn cái được tiếp xúc với androgen trong thời kỳ bào thai thì khi trưởng thành sẽ ít có hành vi của giống cái và có nhiều hành vi của giống đực hơn so với nhóm chứng. Dựa trên nghiên cứu này, có giả thiết rằng các steroid tinh hoàn có thể làm thay đổi sự phát triển hệ thống thần kinh trung ương một cách bền vững, làm nam hóa và bớt nữ hóa các hành vi tình dục của động vật cũng như của nam giới trưởng thành. Tác động lâu dài mang tính chất “thực thể” này tương phản với tác động mang tính chất “hoạt hóa” của các steroid lên hành vi khi các động vật trưởng thành được điều trị bằng steroid chỉ bị thay đổi hành vi tạm thời. Ảnh hưởng thực thể này xảy ra mạnh trong thời kỳ sinh trưởng, khi các đặc điểm thần kinh nam giới phát triển hoặc được duy trì thì các đặc điểm thần kinh nữ giới bị ngăn cản không cho phát triển hoặc bị teo đi.
Ảnh hưởng của hormone lên hành vi sinh sản. Chuột mang gen giới tính cái được bổ sung testosterone trong những ngày đầu tiên của cuộc đời sẽ không biểu hiện hành vi sinh sản giới tính cái điển hình khi trưởng thành, ngay cả khi tiêm các hormone steroid giới tính cái như estradiol, progesterone sau này. Ngược lại, hành vi của chúng dường như giống chuột mang gen đực hơn. Tương tự, các chuột đực bị thiến lúc mới sinh có biểu hiện hành vi giới tính cái, có đáp ứng với các liều hoạt hóa estradiol và progesterone; không biểu hiện hành vi giới tính đực sau khi bổ sung testosterone lúc trưởng thành. Điều trị thuốc kháng androgen trước sinh cũng chống lại sự nam hóa của các hành vi ở chuột đực. Những tác động hormone sớm này có thể làm thay đổi vĩnh viễn các năng lực thần kinh có liên quan tới hành vi sinh sản đặc trưng giới tính.
Các hormone buồng trứng không có vai trò quyết định tới sự phát triển hành vi sinh sản giới tính cái. Chuột cái bị cắt buồng trứng hoặc được điều trị bằng kháng estrogen sau khi sinh vẫn có hành vi tình dục giống như chuột cái bình thường. Sự thiếu vắng androgen hoặc các sản phẩm chuyển hóa của chúng là đủ để phát triển hành vi giới tính cái.
Sự biệt hóa giới tính của cấu trúc não: Sự xuất hiện của các hormone sinh dục trong giai đoạn phát triển sớm cũng ảnh hưởng tới sự biệt hóa giới tính của cấu trúc não. Nhiều vùng lưỡng tính sinh dục ở não và tủy sống đã được mô tả. Cấu trúc được nghiên cứu nhiều nhất là vùng trước thị, nơi có vai trò trong hành vi đôi lứa và kiểm soát sự bài tiết gonadotrophin. Trong vùng trước thị có một khu vực tập trung dày đặc tế bào được gọi là nhân lưỡng tính sinh dục, nhân này ở chuột đực lớn hơn nhiều lần so với ở chuột cái. Các neuron của vùng trước thị ở chuột có nhiều cảm thụ estrogen hơn bất cứ vùng nào của não. Chuột cái đang ở giai đoạn phát triển bị phơi nhiễm với testosterone hoặc estrogen sẽ có vùng trước thị mang tính đực nhiều hơn khi trưởng thành. Thiến chuột đực khi mới sinh dẫn đến vùng trước thị mang tính cái hơn. Tác dụng đực hóa của điều trị estrogen sớm mạnh hơn tác dụng đực hóa của điều trị androgen sớm, gợi ý estrogen có tác dụng trực tiếp lên kích thích sự phát triển các nhân lưỡng tính sinh dục của vùng trước thị chuột đực. Testosterone có 2 tác động chính lên não rodent bào thai. Testosterone điều hòa lên sự sản xuất các thụ cảm androgen của các vùng não lưỡng tính sinh dục. Hơn nữa, sự hoạt hóa của testosterone tới các thụ cảm androgen kích thích tổng hợp men aromatase, kết quả là làm tăng sản sinh estradiol trong các nhân lưỡng tính sinh dục. Nồng độ estradiol tăng sau đó sẽ có vai trò phát triển sự biệt hóa về giải phẫu của não theo xu hướng nam tính.
Các nghiên cứu ở người cũng cho thấy các nhân lưỡng tính sinh dục của vùng trước thị ở nam giới lớn hơn và nhiều neuron hơn ở nữ giới. Một nghiên cứu ở các cô gái bị phì đại tuyến thượng thận bẩm sinh cung cấp bằng chứng mạnh về sự phát triển hành vi. Khuyết tật của một men gây ra sự quá sản sinh các steroid tuyến thượng thận, trong đó có các androgen. Trẻ nữ có phì đại tuyến thượng thận bẩm sinh bị phơi nhiễm với các androgen trong thời kỳ bào thai khi sinh ra sẽ có genital virilization ở một mức độ nào đấy. Sự phơi nhiễm với các androgen sau khi sinh cũng có thể gây ra một số biến đổi về hành vi tinh dục. Các cá nhân này được coi như giới tính nữ và lớn lên với giới tính nữ. Nhưng người có nhân cách nam, chơi với các đồ chơi mà thường được các cậu bé thích và tham gia trong các trò chơi mạnh hơn so với các cô gái khác. Họ có thu hút giới tính với những người nam như những nữ giới khác, nhưng quan tâm hơn tới tình dục cả hai giới hoặc quan hệ đồng giới sơ với những nữ giới không bị tình trạng này.
3. Chẩn đoán
3.1. Hỏi bệnh
Những điều kiện sinh hoạt trong gia đình từ nhỏ và hoàn cảnh sống hiện tại để chẩn đoán về khuynh hướng phát sinh bệnh.
3.2 .Khám thực thể
- Tìm các dị tật bẩm sinh trên đường sinh dục.
- Khám tìm các thương tổn do tình dục đồng giới gây nên: loét, viêm...
3.3. Cận lâm sàng
- Định lượng 5 yếu tố nội tiết tố sinh sản: LH, FSH, prolactin, estradiol và testosterone.
- Xét nghiệm nhiễm sắc thể; xác định giới tính XY, XX.
- Xét nghiệm HIV: Vì những người tình dục đồng giới có nguy cơ cao mắc bệnh này (có thể sinh hoạt tình dục qua đường hậu môn).
4. Điều trị
- Nếu có rối loạn nội tiết tố thì phải bồi phụ để thăng bằng nội tiết cho từng giới.
- Điều trị tâm lý, thuyết phục bệnh nhân dùng lý trí để vượt qua.
- Tạo điều kiện thay đổi môi trường sống.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hướng dẫn Quốc Gia về các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản (Ban hành kèm theo Quyết định số 4620/QĐ-BYT ngày 25/11/2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế), Nhà xuất bản Thời Đại (đồng tác giả)
2. Nguyễn Quang. Sách “Bệnh học Nam khoa cơ bản”. Nhà xuất bản Y học, 2012.
3. Bệnh học Tiết niệu, 2002, tái bản 2007, Nhà xuất bản Y học (đồng tác giả)
4. Buvat J, Lemaire A, Ratasczyk J. Rôle des hormones dans les dysfonctions sexuelles, l'homosexualité, le transsexualisme et les comportements sexuels déviants : Conséquences diagnostiques et thérapeutiques. Contraception-Fertilité-Sexualité 1996 ;24: 834-846
5. Hansen M, Bowen C, Milner E et al: Assisted reproductive technologies and the risk of birth defects—a systematic review. Hum Reprod 2005; 20: 328.
6. W. Hoepffner, K. Rothe, J. Bennek. Feminizing Reconstructive Surgery for Ambiguous Genitalia: The Leipzig Experience. Journal of Urology, 2006, 175 (3): 981-984
7. Ian A. Aaronson. Terminology for Disorders of Sex Development: Clarity or Confusion? Journal of Urology, 2011, 185 (2): 388-389
8. Jennifer H. Yang, Julia Menshenina, Gerald R. Cunha et al. Morphology of Mouse External Genitalia: Implications for a Role of Estrogen in Sexual Dimorphism of the Mouse Genital Tubercle. Journal of Urology, 2010, 184 (4), Supplement: 1604-1609
9. Jenny H. Yiee, Laurence S. Baskin. Environmental Factors in Genitourinary Development. Journal of Urology, 2010, 184 (1): 34-41
10. Julia Spencer Barthold. Disorders of Sex Differentiation: A Pediatric Urologist's Perspective of New Terminology and Recommendations. Journal of Urology, 2011, 185 (2): 393-400
11. Justine MS. Sexual behaviours, sexual orientation and gender identity in adult intersexuals: a pilot study. Journal of Urology, 2001, 165 (6), Supplement: 2350-2353
12. Koray Agras, Emily Willingham, Yoshiyuki Shiroyanagi et al. Estrogen Receptor-α and β are Differentially Distributed, Expressed and Activated in the Fetal Genital Tubercle. Journal of Urology, 2007, 177 (6): 2386-2392
13. Macintosh TK, Barfield RJ: Brain monoaminergic control of male reproductive behavior (Serotonin and the post-ejaculatory refractory period), Behav Brain Res 1984; 12: 255-265
14. Rodriguez M, Castro R et al: Different roles of catecholaminergic and sorotonergic neurons of the medical forebrain on male rat sexual behavior, Physiol Behav 1984; 33: 5-11
15. Zoltan H, John MH. Androgen Imprinting of the Brain in Animal Models and Humans With Intersex Disorders: Review and Recommendations. Journal of Urology, 2002, 168 (5): 2142-2148.
Bookmarks